Sunday, November 30, 2008

Ai cũng có cơ hội, mọi cơ hội đều nằm trong tim, trong nỗ lực của chúng ta!

Phong cách kiến trúc của Tadao Ando luôn ấn tượng bởi:
- Cách sử dụng vật liệu, những mảng tường lớn của ông luôn tạo nên những giới hạn rõ rệt cho ngôi nhà.
- Tính hiện hữu của các công trình, những khối tường nặng, thô ráp của ông gây cảm giác luôn có thể chạm tới, căng mình để đón ánh sáng và gió.
- Sự thông thoáng trong các công trình luôn cho chỉ có ánh sáng bao bọc những người sử dụng.


Tadao Ando

Kiến trúc sư Nhật Bản nổi tiếng thế giới, Tadao Ando - thần tượng của nhiều kiến trúc sư và sinh viên kiến trúc Việt Nam đã có mặt tại Hà Nội tối qua, 25/11. Điều ngạc nhiên là ông chưa qua một trường lớp đào tạo về kiến trúc nào.



Tối qua , Trung tâm hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình - Hà Nội) không còn một chỗ trống. Các kiến trúc sư trẻ và hàng nghìn sinh viên ngành kiến trúc - xây dựng đã tranh thủ học hỏi các kinh nghiệm và nắm bắt các trào lưu mới trong kiến trúc hiện đại qua cuộc chuyện trò với Tadao Ando.

Bên lề buổi giao lưu, Tadao Ando cũng đã có cuộc trao đổi với báo giới Việt Nam:

  • Được biết, ông là người chưa qua một trường lớp đào tạo về kiến trúc nào mà vẫn trở thành kiến trúc sư nổi tiếng thế giới. Vậy ý tưởng đến với nghề kiến trúc của ông được hình thành từ khi nào?
  • Tôi còn nhớ năm 1956, khi ấy tôi 15 tuổi, một lần thấy những người thợ đến sửa nhà cho gia đình mình, tôi cảm thấy rất thích thú. Vì thế tôi đã quyết định tìm hiểu sâu về lĩnh vực kiến trúc. Nhưng khác với những người có ý định theo ngành kiến trúc là thông thường sẽ vào các trường kiến trúc chuyên nghiệp thì tôi lại đọc các sách liên quan đến kiến trúc và thường xuyên đi tìm hiểu các kiểu công trình kiến trúc khác nhau. Từ đó tôi tự rút kinh nghiệm cho riêng mình.

  • Ai là người có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của ông?
  • Bà tôi luôn khuyến khích tôi phát triển nghề nghiệp một cách tự do. Năm 17 tuổi tôi chơi boxing. Và điều tôi học được từ môn thể thao này là, khi cần thì phải chiến đấu không ngừng để đạt được mục tiêu của mình. Tôi thấy điều này rất tương đồng với tính cách người Việt Nam, luôn nỗ lực không ngừng để thực hiện được mục tiêu của mình. Ai cũng có cơ hội, mọi cơ hội đều nằm trong tim, trong nỗ lực của chúng ta, đó là mục đích chuyến thăm lần này của tôi tại Hà Nội.

  • Ông là một kiến trúc sư theo chủ nghĩa phê bình khu vực, chắc hẳn ông phải đi nhiều nước để tìm hiểu kiến trúc ở các nơi?
  • Từ năm 1962 đến năm 1969, tôi một mình thực hiện chuyến đi đến Mỹ, Châu Âu và Châu Phi để tự quan sát và học hỏi. Đây cũng là khoảng thời gian tôi hình thành và hoàn thiện các ý tưởng về tư duy thiết kế trước khi tôi thành lập hãng kiến trúc Tadao Ando và cộng sự năm 1969 tại Osaka. Hiện nay, tôi không chỉ làm việc tại Nhật Bản mà còn ở Mỹ và Mexico, các nước châu Âu (Đức, Pháp) và các nước châu Á (Trung Quốc, Đài Loan...)

  • Công trình kiến trúc đầu tiên nào mà tên tuổi của ông gắn với nó và mang lại sự chú ý của quốc tế?
  • Đó là tiểu khu phố Rokko Housing I ở Kobe hoàn thành năm 1983. Tổ hợp này nằm trên sườn dốc tới hơn 600 của núi Rokko. Cả dự án là một khối nhà bê tông và kính trắng tương phản hoàn toàn với vách núi đầy cây xanh phía sau. Toàn bộ 20 căn nhà có kích thước 5,4 x 4,8m, mỗi căn đều có ban công nhìn thẳng ra cảng Kobe. Theo tôi, kiến trúc thú vị khi nó có hai đặc tính, rất đơn giản và đồng thời rất phức tạp.

  • Theo ông, sự thú vị trong kiến trúc đó mà ông nói có áp dụng được với Thủ đô Hà Nội của chúng tôi không? Ông có gợi ý gì về kiến trúc của thủ đô Hà Nội trong tương lai?
  • Để có thể phát triển đô thị, cần phải có một quan điểm triết học, tư tưởng, định hướng rõ ràng. Nhật Bản có dân số già còn dân số Việt Nam thì rất trẻ. Năng lực tiềm ẩn của Việt Nam còn rất nhiều. Những người lãnh đạo cần phải có định hướng cho phát triển đô thị với quan điểm rằng, đô thị mà mình đang lãnh đạo sẽ có diện mạo như thế nào và có sự cân đối như thế nào giữa các phương diện khác nhau.

  • Ông nổi tiếng với một công trình có thiết kế giống nhà ống tại Việt Nam, ông có ý tưởng gì cho kiểu nhà ống Việt Nam trong điều kiện khí hậu hiện nay?
  • Tôi nghĩ bất kỳ ngôi nhà nào trong đô thị cũng phải chú trọng đến yếu tố thiên nhiên và yếu tố cá nhân. Công trình do tôi thiết kế được đánh giá cao vì yếu tố thiên nhiên trong ngôi nhà được chú trọng nhưng lại khá cân đối với các yếu tố khác. Khi thiết kế, nhà thiết kế cũng lồng ý tưởng của mình và tìm một ngôn ngữ biểu hiện nào đó để đạt được. Tuy nhiên vẫn cần phải cân bằng giữa yếu tố xã hội và yếu tố tự nhiên nữa. Kiến trúc phải kết hợp yếu tố an toàn, an tâm, thoải mái và hấp dẫn.
  • Xin cảm ơn ông.
( sưu tầm từ ashui.com )
>>> Vegas 999 <<<

No comments:

Post a Comment

Có người gửi nhận xét trong aimLIVE.blogspot.com của bạn